Trong khi các nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ thụt lùi, Việt Nam cùng với Indonesia đã nhảy vọt trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017- 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa mới công bố.
Tăng trưởng xuất khẩu giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì nhịp độ tăng trưởng cao
Nikkei Asia Review dẫn lại báo cáo cho thấy, Việt Nam nhảy lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng kể trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Ngoài ra, giao thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước, khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP.
Báo cáo của WEF đánh giá việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến Việt Nam mất đi một số cơ hội giao thương trong tương lai, nhưng cũng nhấn mạnh nhấn mạnh tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ được duy trì nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh mẽ.
Cũng theo Nikkei Asia Review, Indonesia cũng có bước tăng trưởng trong bảng xếp hạng khi đứng thứ 36, tăng từ vị trí số 41 vào năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á này đã cải thiện 10/12 danh mục chính, bao gồm sức khoẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng. Mặc dù, Indonesia không có chuyển biến trong danh mục đổi mới sáng tạo, nhưng báo cáo này vẫn xem Indonesia như một nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu trong số các quốc gia mới nổi, đứng thứ 12 trong danh mục mua sắm chính phủ các sản phẩm công nghệ tiên tiến.
Một số quốc gia châu Á khác theo đánh giá mới này của WEF cũng có năng lực cạnh tranh cải thiện còn bao gồm Malaysia hạng 23; Thái Lan hạng 32; Trung Quốc hạng 27... Các quốc gia này đều tăng 1- 2 bậc.
Việc thăng hạng đáng kể của Việt Nam về năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng có thể tác động tích cực đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế cho thấy chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu thường được các nhà đầu tư tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia bất kỳ. Nhìn vào bức tranh này, các nhà đầu tư nước ngoài có những kỳ vọng rằng, với năng lực cạnh tranh như vậy thì Việt Nam có đang là nơi có tiềm năng, chính sách tốt để các nhà đầu tư quyết định bỏ vốn.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)