Tiếp sức cho sản phẩm cơ khí, chế tạo Việt Nam
Ngành Công nghiệp cơ khí, chế tạo máy đóng vai trò then chốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của quốc gia. Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều thách thức, ngành Cơ khí vẫn luôn phấn đấu, nỗ lực cố gắng ở mức cao nhất để duy trì đà tăng trưởng.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2015, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều trở ngại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có sức tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong thành công đó, có đóng góp không nhỏ của cộng đồng các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020. Quyết định số 634/QĐ-TTg đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường. Mặt khác, Quyết định số 634/QĐ-TTg đã được lồng ghép vào Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị (tại Thông báo kết luận 264/TB-TW ngày 31/7/2009 về việc tổ chức cuộc vận động và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 về việc tăng cường cuộc vận động). Để “tiếp sức” cho hàng cơ khí chế tạo Việt Nam, những năm qua, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên sản xuất và tiêu dùng sản phẩm cơ khí Việt. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 25-KL/TW ngày 17/10/2003; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí, Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Theo Quyết định số 634/QĐ-TTg, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2015 là tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích lâu dài nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước.
Mới đây nhất, ngày 26/11/2014, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 (có hiệu lực từ 1/7/2015) đã quy định lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hầu hết lĩnh vực cơ khí thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Ngày 16/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa; Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT này có hiệu lực từ ngày 1/8/2015. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nội địa trong công tác đấu thầu.
Cần tạo hiệu ứng truyền thông lan tỏa
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg, công tác tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được trong công tác đấu thầu đã bước đầu đạt kết quả khả quan, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong nước. Cùng với nhiều nguyên nhân khác, việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg đã góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: năm 2010, tỷ lệ này ở mức 17,47%; năm 2011 giảm còn 10,16%. Đặc biệt, từ năm 2012 đến năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu.
Hơn thế nữa, việc chọn hàng Việt trong công tác đấu thầu đã góp phần thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, cũng như của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các đơn vị sử dụng vốn nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và chủ động thực hiện các giải pháp nhằm ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu.
Để phát huy hơn nữa lợi ích từ Chỉ thị 494/CT-TTg gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công tác tuyên truyền về các sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được cùng những cơ chế, chính sách liên quan là yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, hiện nay, danh sách các doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được mới chỉ mang tính chất tham khảo.
Hiện tại, chưa có kênh thông tin tuyên truyền và chưa cơ sở dữ liệu riêng cho ngành cơ khí. Các thông tin về sản phẩm còn thiếu do các nhà sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, phổ biến về sản phẩm mà doanh nghiệp đã sản xuất được. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng đối với các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất, đặc biệt là chính sách về xúc tiến thương mại, hỗ trợ truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Do đó, các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đẩy mạnh việc giới thiệu rộng rãi sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất một cách xuyên suốt, liên tục, trên các phương tiện thông tin truyền thông và các phương thức khác nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm cơ khí Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới…
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất cơ khí trong nước phải không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó nâng cao vị thế hàng Việt. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường đội ngũ nhân lực trình độ cao, đầu tư trang thiết bị công nghệ và cải tiến quản lý. Về phía các đơn vị Chủ đầu tư, các đơn vị Tổng thầu EPC cần nghiêm túc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được theo quy định.
Theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2015 là tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Hơn nữa, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích lâu dài nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước. (Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm) |