Đó là công trình nghiên cứu đã trải qua hai "đời" của các sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Sau khi chế tạo phần cơ và cơ khí trong năm đầu tiên, nhóm nghiên cứu tiếp tục chuyển sang hoàn thành phần điều khiển tự động, có thể áp dụng đồng loạt cho nhiều máy cùng một lúc.
Đặng Thái Huy và máy gieo hạt đã trải qua hai “đời” của sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - (Ảnh: TRỌNG NHÂN).
Bằng việc nói trực tiếp vào ứng dụng trên điện thoại di động do chính nhóm viết ra, người dùng có thể truyền mệnh lệnh theo các câu khẩu hiệu được lập trình sẵn giúp máy chuyển động, gieo hạt hay dừng lại... theo ý muốn.
Khi làm việc, bộ chân không sẽ hoạt động và hút hạt dính vào đầu kim, rồi đặt xuống vào đúng đường rãnh hình thành nhờ các mũi nhựa bên dưới cạ vào đất khi di chuyển.
Bạn Đặng Thái Huy - sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết trong quá trình thử nghiệm thực tế, hiệu suất gieo hạt ngay hàng thẳng lối đạt đến 95%.
Ngoài ra, ứng dụng còn kết hợp một chương trình thông báo nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời, giúp nông dân có thể xác định thời điểm gieo phù hợp.
Theo ThS Đặng Minh Phụng - khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, người hướng dẫn nghiên cứu, máy sẽ được chỉnh sửa, cải thiện thêm một số chức năng.
"Theo tôi, ở Việt Nam, nếu muốn áp dụng tự động hóa trong nông nghiệp thì cần hướng đến tự động ở mọi khâu, từ làm đất đến gieo hạt và cả thu hoạch... để có thể đồng bộ nhằm tăng năng suất lên gấp nhiều lần" - thầy Phụng nói.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)