Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20%. Nhiều sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: Thiết kế chế tạo thủy công, thiết bị nhà máy xi măng, giàn khoan dầu khí…
Với giá trị thực tiễn to lớn, công trình khoa học “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã nhận được Giải thưởng Quốc gia, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2016. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều quan trọng hơn cả trong việc chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90m (giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05) là mốc son đánh dấu bước phát triển, sự trưởng thành mang tính lịch sử của ngành cơ khí Việt Nam. Từ chỗ chỉ có thể gia công chế tạo thì đến nay, ngành này đã có thể tự thiết kế, thi công các công trình giàn khoan dầu khí. Thành quả này cho thấy trình độ, năng lực, chất xám và khả năng lao động của Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo “Những ứng dụng thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm cơ khí” do VAMI tổ chức mới đây, lãnh đạo hiệp hội cũng nhận định, bên cạnh bước phát triển đáng khích lệ thì sau nhiều năm đổi mới, giá trị gia tăng của những sản phẩm ngành cơ khí vẫn thấp, còn tồn tại nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí yếu kém…
Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho rằng, để gỡ khó cũng như tăng năng lực cho ngành cơ khí, cần đẩy mạnh sự hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí. Đặc biệt, tăng cường đầu tư và ứng dụng những thiết bị KHCN tiên tiến vào sản xuất.
Theo ông Dương Văn Hồng - Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng - COMA, trong nhiều năm qua, tổng công ty đã luôn chú trọng áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn. COMA chú trọng vào các công nghệ hàn như: TIG, MIG, MAG, điện xi… và mua các thiết bị mới, hiện đại như máy cắt CNC, các trung tâm gia công phục vụ chế tạo bi cầu giàn không gian, các máy hàn mới hiện đại… để phục vụ sản xuất, triển khai chế tạo các sản phẩm mới, chính xác và chất lượng.
Ngoài việc tự nâng cao về thiết bị, công nghệ trong sản xuất, các DN ngành cơ khí cũng nhận thấy, việc tiếp thu những công nghệ mới thông qua liên doanh, liên kết với các DN mạnh trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí là rất cần thiết. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh hợp tác giữa các DN nội địa để cùng tham gia chế tạo, nội địa hóa sản phẩm được tốt hơn.
VAMI hiện đã làm việc trực tiếp với các đơn vị, công ty thành viên như: Vinalift, Lilama, Lisemco, Cơ khí Phổ Yên, Cơ khí Đông Anh, Máy kéo và Máy nông nghiệp… để nắm bắt tình hình sản xuất, những thuận lợi và hỗ trợ cho các DN tìm việc làm, ổn định sản xuất… (Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm) |