Dự kiến đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo sẽ có tổng sản lượng xuất khẩu đạt 35%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Vẫn còn nhiều tồn tại
Những năm gần đây ngành cơ khí đã có sự phát triển mạnh. Đánh giá của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) cho thấy, khoảng 10 năm trở lại đây, ngành cơ khí đã có những bước phát triển đáng kể, doanh thu tăng đều trên 20% mỗi năm. Nhiều sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như thiết kế, chế tạo máy thủy công, giàn khoan dầu khí… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành vẫn chưa có nhiều DN mạnh với công nghệ hiện đại, và đa số vẫn là DNNVV.
Ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước chuyển mình |
Chính vì thế, nên tính cạnh tranh của sản phẩm không cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ mới. Hiện ngành cơ khí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư công nghệ mới, thiếu nguồn lao động có chất lượng cao, công tác quản lý còn yếu khiến DN cơ khí khó cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Các DN vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, liên kết giữa các DN trong ngành còn kém, khả năng hấp thụ công nghệ còn yếu. Chính vì vậy, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, ngành cơ khí Việt Nam cần được đổi mới toàn diện để nâng cao sức cạnh tranh và tăng hiệu quả sản xuất.
Theo VAMI, một nguyên nhân nữa khiến ngành cơ khí Việt Nam tụt hậu là do tình trạng đầu tư tự phát, sự yếu kém của các DN trong nghiên cứu thị trường.
Công nghệ là động lực phát triển
Đại diện Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi các DN cơ khí cần có sự đổi mới để bắt kịp xu hướng, trong đó phải chú trọng đến đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khảo sát thị trường. Hiện VEAM đang tập trung phát triển 3 lĩnh vực trụ cột là động cơ - máy nông nghiệp, ôtô - xe máy và công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI cho rằng, trong thời gian tới cần nhanh chóng đổi mới về khoa học công nghệ, kế hoạch đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực đối với ngành cơ khí. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa vai trò của Hiệp hội để hỗ trợ các DN trên mọi lĩnh vực. Thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về sự phát triển của ngành. Đồng thời tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế về ngành cơ khí nhằm thu hút các DN nước ngoài lớn với các sản phẩm cơ khí hiện đại nhằm trao đổi, giao lưu với DN trong nước.
Cụ thể Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2018) diễn ra trong 3 ngày, từ 16 - 18/10 tới đây sẽ thu hút 165 công ty, DN tham gia. Trong đó có tới 75% là DN nước ngoài đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Anh...
Dự kiến vào cuối năm 2018, VAMI tiếp tục phối hợp tổ chức Triển lãm quốc tế về máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp Việt Nam lần thứ 13 - VINAMAC EXPO 2018 và các triển lãm chuyên đề: Máy móc thiết bị (IMF - CMF); Công nghiệp ngũ kim và linh kiện cố định (CHF) tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Đào Phan Long nhấn mạnh, việc tổ chức các chương trình triển lãm với sự tham gia của các DN nước ngoài với công nghệ hiện đại sẽ đem đến cho DN cơ hội quảng bá sản phẩm, trao đổi, hợp tác, chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh cho DN trong thời kỳ hội nhập, góp phần đáp ứng cơ bản các yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay, các DN cơ khí phải cơ cấu lại sản xuất, đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ; có chiến lược phát triển dài hạn, chủ động liên kết với các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, với các DN trong và ngoài nước, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp lớn. Đặc biệt vai trò và trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn.
Theo đó Nhà nước ta cần phải có chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp cơ khí, nhất là các sản phẩm cơ khí trọng điểm, tạo thuận lợi cho công nghiệp cơ khí phát triển như hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ và các cơ chế, chính sách...
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)