Ngành cơ khí - một ngành nghề đóng vai trò xương sống của nền kinh tế, nền tảng hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, nhưng trong suốt nhiều năm qua, lại mang hình hài của “một đứa trẻ không chịu lớn”. Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức ngày 5/9, nhiều chuyên gia cho rằng, trách nhiệm này thuộc về cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp ngành cơ khí nội địa.
*Chưa hoàn thành mục tiêu
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 50 tỷ USD; trong đó, sản xuất trong nước 16 tỷ USD.
Như vậy, ngành cơ khí cả nước mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn mục tiêu đề ra trong Kết luận số 25.KL-TW năm 2003 phải đáp ứng được 45-50% nhu cầu trong nước.
Cũng theo đánh giá của Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thủy Trung, ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu cơ khí của cả nước, không hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu năm 2010 của ngành này đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước).
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, thực tiễn sau 20 năm phát triển ngành này, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới.
Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam bị thua trên sân nhà trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.
“Sự tụt hậu này có cả trách nhiệm của quản lý nhà nước và của các doanh nghiệp cơ khí nội địa”, ông Long khẳng định.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, ông Long cho rằng, hệ thống chính sách và bộ máy quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí nội địa không hữu hiệu, không đi vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài...
Với các doanh nghiệp sản xuất cơ khí Việt Nam, tình trạng đầu tư tự phát, yếu kém trong nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất, thiết bị công nghệ yếu kém dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam khó cạnh tranh. Sản phẩm cơ khí Việt Nam hiện nay chủ yếu gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo chuyên gia cơ khí Nguyễn Văn Thụ, nguyên nhân chủ quan trước hết và lớn nhất kìm hãm sự phát triển của cơ khí Việt Nam là các cấp các ngành quản lý chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp cơ khí. Một nước công nghiệp muốn phát triển không thể không phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy công nghiệp nặng.
Cùng với đó, lực lượng cơ khí Việt Nam đã yếu lại không liên kết tập hợp được lực lượng để tổ chức phân công sản xuất, tránh trùng lặp, khéo kín.
Trong khi trên thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp lớn còn sáp nhập để cùng tồn tại và phát triển. Những yếu tố này khiến cho ngành cơ khí, trong suốt nhiều năm vẫn chưa thể lớn mạnh như mong muốn.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hùng, nguyên Tổng giám đốc Lilama, các Nghị quyết Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều xác định được vai trò của cơ khí, song chúng ta chưa có chính sách cụ thể, các văn bản thông tư, quyết định về vấn đề này còn rời rạc, chủ yếu mang tính chữa cháy...
*Thay đổi chính sách đầu tư
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018 này được xem như “liều thuốc tăng trưởng” cho ngành cơ khí. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho hay, với chính sách phát triển rõ ràng, ngành cơ khí sẽ nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hùng, cách mạng công nghiệp cơ khí lần thứ 4 này chắc chắn sẽ làm thay đổi cả hệ thống dây chuyển công nghệ thiết kế, chế tạo cơ khí truyền thống. Đây là cơ hội để chúng ta làm cuộc cách mạng đổi mới ngành cơ khí chế tạo. Vấn đề là phải có kế hoạch đầu tư các dây chuyền chế tạo cơ khí mới được áp dụng công nghệ mới.
Ngoài ra, cần thiết phải đầu tư cho con người, nhân tố quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng này. Đào tạo các kỹ sư, công nhân mới bước đầu phải được đào tào ở nước ngoài, ông Phạm Hùng cho hay.
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VEAM cho rằng, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, nhưng tập trung cho các doanh nghiệp có sản xuất quy mô công nghiệp và có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ, không dàn trải như trước.
Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo giúp nước ta có thể chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI, tới đây, Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, đầu tư mới, lựa chọn một số ngành hàng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, như: sản xuất, lắp ráp ô tô tải, bus; chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép,... Nhà nước cần tính toán và có chính sách để doanh nghiệp trong nước có nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển, giúp vực dậy ngành cơ khí
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như hạn chế của chính sách hiện hành.
Cụ thể, sẽ xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế;
Hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.../.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)