SpaceX đang chuẩn bị cho lần phóng chở số lượng hàng hóa lớn nhất của tên lửa Falcon Heavy, dự kiến diễn ra tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, Mỹ, ngày 24/6. Tên lửa sẽ đưa 24 vệ tinh cho chương trình Space Test Program-2 (STP-2) của Không quân Mỹ lên quỹ đạo.
Trung tâm Hệ thống Tên lửa và Vũ trụ không quân, cơ quan phụ trách chương trình STP-2, đăng lên mạng xã hội hình ảnh 24 vệ tinh bên trong khoang chở hàng của Falcon Heavy. "Khối hàng nặng 3.700kg cho STP-2 đã được sắp xếp xong. Hãy quan sát trước khi tên lửa Falcon Heavy phóng lần đầu tiên cho Bộ Quốc phòng", trung tâm này thông báo.
Các vệ tinh được đặt bên trong tên lửa Falcon Heavy. (Ảnh: Space).
Đây sẽ là lần thứ ba SpaceX phóng Falcon Heavy, tên lửa mạnh nhất thế giới, nhưng là lần đầu tiên mang nhiều vệ tinh cùng lúc. Lần phóng đầu tiên là một thử nghiệm diễn ra tháng 2/2018 nhằm đưa xe điện Tesla và người nộm Starman bay vào không gian. Tháng 4 năm nay, Falcon Heavy tiếp tục đưa Arabsat-6A, vệ tinh lớn nặng 6.460kg lên quỹ đạo. Hai ống phóng của tầng tên lửa thứ nhất lần đó sẽ được tái sử dụng cho nhiệm vụ STP-2 sắp tới.
Loạt vệ tinh STP-2 được chế tạo bởi NASA, quân đội, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, các nhóm sinh viên từ nhiều trường đại học. Trong số này có một vệ tinh dạng đồng hồ nguyên tử của NASA và vệ tinh để thử nghiệm chất đốt mới cho tàu vũ trụ.
"Đây sẽ là một trong những lần phóng thách thức nhất lịch sử SpaceX với việc đốt cháy 4 động cơ tầng trên riêng rẽ, ba quỹ đạo triển khai tách biệt và tổng thời gian nhiệm vụ hơn 6 tiếng", SpaceX cho biết. Khả năng chở đồng thời nhiều vệ tinh và sử dụng ống phóng tên lửa đẩy cũ là những dấu mốc quan trọng trong nhiệm vụ này.
SpaceX thường xuyên tái sử dụng các ống phóng tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 và Dragon, tàu chở hàng dùng để đưa hàng hóa của NASA lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Hãng này tiếp tục phát triển công nghệ tái sử dụng tên lửa để giảm chi phí du hành vũ trụ.
Trước đây, SpaceX cũng từng phóng cùng lúc rất nhiều vệ tinh bằng tên lửa Falcon 9. Tên lửa này từng đưa 64 vệ tinh nhỏ tháng 12/2018 và 60 vệ tinh Internet lên quỹ đạo tháng 5 năm nay.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)