Đây là hành tinh thứ năm tính từ mặt trời được cho là có lõi rắn, khá nhỏ, nhưng tàu thám hiểm Juno của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) truyền về dữ liệu cho thấy phần trung tâm của sao Mộc có mật độ loãng và trải rộng hơn vẫn tưởng. Giờ đây, giới thiên văn học cho rằng đã tìm ra câu trả lời: Một hành tinh cổ đại khổng lồ, với trọng lượng gấp 10 lần địa cầu, đâm thẳng vào quả cầu khí cách đây 4,5 tỉ năm, thời điểm hệ mặt trời mới được khai sinh.
Mô phỏng vụ đụng độ giữa sao Mộc và “nạn nhân” của nó. (Ảnh: Trung tâm Sinh học vũ trụ Nhật Bản).
Juno bắt đầu xoay quanh sao Mộc trong hơn 3 năm qua, triển khai nhiều đợt tiếp cận hành tinh khí và nghiên cứu đối tượng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Dựa trên dữ liệu Juno thu thập được, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Rice (Mỹ) và Đại học Tôn Dật Tiên (Trung Quốc) đưa ra giả thuyết mới để giải thích cho trạng thái kỳ lạ của lõi sao Mộc. Theo phân tích trên chuyên san Nature, một vụ đụng độ khốc liệt trong quá khứ đã tác động làm lõi dịch chuyển, trộn lẫn phần lõi rắn với các lớp khí hoặc chất lỏng ở phía trên. Hậu quả là phần lõi phình to và loãng hơn trước.
Ý tưởng này đặc biệt khả thi vào thời điểm hệ mặt trời còn trong tình trạng hỗn độn, giai đoạn trước khi các hành tinh đi vào quỹ đạo ổn định như hiện nay. Giới thiên văn học vẫn cho rằng một hành tinh cỡ sao Hỏa đã lao vào Trái đất, tạo nên Mặt trăng và mang đến nước cho địa cầu. Hai mặt trăng của hành tinh đỏ nhiều khả năng ra đời theo cách này, và một số đặc điểm bất thường của Thiên Vương tinh (như trục quay lật ngang và bầu khí quyển đông lạnh) cũng được giải thích theo cách tương tự.
Để chứng minh ý tưởng trên, đội ngũ chuyên gia thực hiện hàng ngàn cuộc mô phỏng về Hệ Mặt trời vào thời điểm còn non trẻ. Họ phát hiện có đến 40% khả năng sao Mộc đã nuốt chửng cả một hành tinh khác trong vòng vài triệu năm đầu tiên. Và để tạo ra lõi như hiện tại, cần phải có hành tinh gấp 10 lần Trái đất mới đủ sức làm như thế.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)