Ngành cơ khí đã có những bước tiến nhất định, song một nghịch lý là hiện phần lớn các dự án đầu tư, xây dựng lớn liên quan đến ngành đều "rơi" vào tay các nhà thầu ngoại.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho rằng nếu không có chính sách tạo đầu ra, hỗ trợ vốn, lãi suất và phát triển đồng bộ cơ khí với các ngành liên quan thì doanh nghiệp (DN) cơ khí sẽ "chết" trên chính sân nhà.
Thưa ông, hiện phần lớn các dự án lớn trong lĩnh vực cơ khí đều do các tổng thầu nước ngoài thực hiện. Phải chăng năng lực của các nhà thầu cơ khí Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu?
Qua nhiều năm làm cơ khí, tôi đã ký và chứng kiến nhiều hợp đồng mà DN Việt Nam thực hiện làm gia công cho các tập đoàn công nghiệp của Đức, Ý, Pháp, Nhật… Hầu hết các đơn hàng này đều bảo đảm về chất lượng, tiến độ và đặc biệt là cạnh tranh về giá. Trong khi đó, tại nội địa, dù đã có chính sách, cụ thể là Quyết định 186 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí nhưng lại không cân đối đầu ra cho ngành để làm các nhà máy nhiệt điện, xi măng.
Nên dần dần, vì cơ chế thiếu vốn, cứ sử dụng tổng thầu EPC của nước ngoài nên họ chiếm hết thị trường.
Tôi khẳng định khi có chính sách giao các dự án thầu làm nhà máy nhiệt điện, giàn khoan dầu khí, cơ khí thủy công và nhà máy khai khoáng, hóa chất khác… thì sản phẩm mà ngành cơ khí làm ra có chất lượng tốt hơn và đảm bảo tiến độ so với các nhà thầu Trung Quốc. Đơn cử như công trình Thuỷ điện Sơn La, ngành đã làm hạng mục cơ khí thủy công, đóng góp vào việc vượt tiến độ 3 năm của dự án; cũng như làm thủy công tại 12 dự án nhà máy thuỷ điện khác. Hay dự án giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước, các DN đã làm đúng tiến độ trong 24 tháng, đảm bảo chất lượng và đưa vào vận hành an toàn.
Với ngành cơ khí hiện nay, quan trọng nhất là đầu ra, nên nếu có đơn hàng ổn định, là "bà đỡ" chính sách của Chính phủ thì DN sẽ mở rộng khả năng đầu tư vốn, thiết bị công nghệ để làm những dự án có yêu cầu cao. Còn nếu buông lỏng, để cho Việt Nam thành thị trường tiêu thụ những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ thì ngành sẽ không có chỗ đứng.
Nhưng một thực tế là ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vào Việt Nam than phiền rất nhiều là không thể tìm được nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, điển hình là cơ khí. Huống chi với những dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng với đất nước thì việc đáp ứng yêu cầu càng khó hơn?
Đúng là cần nhìn vào thực tế của ngành, các DN cơ khí còn non trẻ, chưa có thương hiệu, nên đừng đòi hỏi làm gì cũng phải được ngay, phải có học phí và trả giá cho nó. Như cơ chế 1791 về thiết kế chế tạo cho nhà máy nhiệt điện, chí ít khi các DN được thực hiện những dự án như trên, thì mới có thể tiếp tục nâng cao năng lực. Nhưng những dự án mà DN nhận được là quá ít ỏi so với thực tế. Nên với cơ chế hiện nay, không có đầu ra thị trường thì DN sẽ chết dần chết mòn. Với phần lớn các dự án tổng thầu EPC hiện nay đều do Trung Quốc thực hiện, chính là điều mà các DN lo ngại nhất, khi những đối thủ làm giá rẻ đã lợi dụng đấu thầu giá rẻ để chiếm lĩnh thị trường nhưng lại đưa những thiết bị công nghệ lạc hậu vào.
Thực tế, khi Quyết định 186 được đưa ra đã không đặt ra một bài toán đầy đủ là phải phát triển ngành chế tạo thép cho ngành cơ khí. Chính sách cũng không để ý gì đến công nghiệp phụ trợ để phối hợp với 8 nhóm sản phẩm ưu tiên của ngành. Đặc biệt là cũng không có cơ chế để lồng ghép các dự án đầu tư quốc gia làm đầu ra cho ngành cơ khí, nên Quyết định 186 chưa phát huy được hiệu quả. Do đó, 10 năm qua đi, những cơ chế đặt ra đều là cơ chế cũ và không có một cú hích nào quan trọng cả, trong khi thị trường ngày càng thu hẹp lại với ngành cơ khí, nên không DN nào dám đầu tư khi không có đầu ra. Cho nên, nếu chính sách không đầy đủ và đồng bộ, thì rất khó để DN vươn lên.
Vậy liệu có quá muộn để các DN Việt Nam có thể tham gia vào các dự án tổng thầu EPC nói riêng cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của mình?
Chúng tôi cho rằng từ nay đến năm 2020 vẫn còn có thời gian. Mặc dù trong thời gian qua, ngành và các DN không được chú ý, nhưng các DN vẫn làm được hàng xuất khẩu và hàng năm vẫn thu về hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, Chính phủ phải là "bà đỡ" cho ngành cơ khí phát triển. Nếu không tháo gỡ vấn đề này thì khả năng tài chính, khả năng mở rộng đầu tư, thiết bị công nghệ sẽ càng bị hạn chế.
Đó là chính sách về đầu ra cho thị trường, chính sách tạo nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi với lãi suất như hiện nay là 11%, vẫn không ai dám đầu tư nhà máy cơ khí, trong khi lợi nhuận có được chỉ khoảng 3 - 5%. Với các nước, khi đầu tư vào cơ khí đều sử dụng vốn Nhà nước để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay, nên nếu DN Việt Nam có vốn, có đầu ra thì chắc chắn trong thời gian ngắn, DN sẽ tìm được hướng đi phù hợp.
Hiệp hội sẽ có trách nhiệm để mọi DN đầu tư chiều sâu, nhưng đồng thời cũng tạo ra liên kết. Bởi nếu sản xuất chuyên sâu mà không hợp tác rộng rãi thì sản phẩm không thể được nâng lên. Cho nên, khi có đầu ra thị trường, việc liên kết nhau lại để cùng khai thác nhằm thực hiện đúng phương châm và mục tiêu của ngành công nghiệp cơ khí là vấn đề cần thiết được đặt ra.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, Nguồn siêu tầm )