Cơ khí được coi là một trong những ngành nghề xương sống của nền kinh tế. Nó là nền tảng để hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, nhưng trong nhiều năm qua ngành này chỉ phát triển èo uột không khẳng định được vai trò của mình.
Cơ khí được coi là một trong những ngành nghề xương sống của nền kinh tế. Nó là nền tảng để hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, nhưng trong nhiều năm qua ngành này chỉ phát triển èo uột không khẳng định được vai trò của mình.
Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0” vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, DN cơ khí nội địa buộc phải chuyển mình mạnh mẽ mới thích ứng được.
Mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu
Theo báo cáo của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 50 tỉ USD; trong đó, sản xuất trong nước 16 tỉ USD. Như vậy, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí cả nước, trong khi đó mục tiêu đề ra phải đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010.
Lý giải về sự tụt hậu này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, sau 20 năm phát triển ngành cơ khí, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu với thế giới. Phần lớn việc tổ chức DN, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Ông Long cho rằng, sự tụt hậu này có cả trách nhiệm của quản lý nhà nước và của các DN cơ khí nội địa.
Cũng theo ông Long, hệ thống chính sách và bộ máy quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí nội địa không hữu hiệu, không đi vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài... dẫn đến việc cơ khí Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà.
Một số chuyên gia cho rằng, tình trạng đầu tư tự phát, yếu kém của các DN cơ khí trong nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất, thiết bị công nghệ yếu kém dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam khó cạnh tranh. Do đó, các sản phẩm cơ khí vẫn chủ yếu là gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ (nguyên Phó TGĐ TCty Lắp máy VN Lilama), nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí. Một nước công nghiệp muốn phát triển không thể không phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy.
Cần thay đổi từ nguồn nhân lực đến chính sách
Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam (năm 2025, tầm nhìn đến 2035)được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành cơ khí sẽ nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ. Nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các DN cũng như hạn chế của chính sách hiện hành. Nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất.
Ông Phạm Hùng (nguyên TGĐ TCty Lắp máy VN Lilama) cho rằng, CMCN cơ khí lần thứ 4 chắc chắn sẽ làm thay đổi cả hệ thống dây chuyền công nghệ thiết kế, chế tạo cơ khí truyền thống. Đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng cuộc cách mạng đổi mới ngành cơ khí chế tạo. Vấn đề quan trọng là phải có kế hoạch đầu tư các dây chuyền chế tạo cơ khí mới được áp dụng công nghệ mới. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là đầu tư cho con người, đây là nhân tố quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng này.
Theo Phó Tổng giám đốc VEAM Hồ Mạnh Tuấn, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, nhưng tập trung cho các DN có sản xuất quy mô công nghiệp và có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ, không dàn trải như trước. Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo giúp nước ta có thể chủ động về nguyên liệu và tăng tỉ lệ nội địa hóa.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)