Tham gia trưng bày tại Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Hanoi 2018) có đến 75% doanh nghiệp, đơn vị quốc tế đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy ngành cơ khí của Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
MTA Hanoi 2018 mang đến cho khách tham quan những công nghệ và thiết bị chuyên ngành tân tiến nhất, đặc biệt là 5 nhóm gian hàng đến từ Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) - là những quốc gia và vùng lãnh thổ với thế mạnh sản xuất máy công cụ.Ngày 16/10, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm (ICE – Hà Nội), Triển lãm quốc tế MTA Hanoi 2018 đã khai mạc với sự tham gia của 165 doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại.
Những sản phẩm trưng bày điển hình như: Articulated Robot (Hiwin), Daiwa Rabin (Nhật Linh); Bộ chuyển nguồn tự động Osung (Cybertech), các loại máy cắt kim loại của Bejing Jingdiao, Makino, Vạn Sự Lợi, Mitsubishi Electric, Sodick; máy gia công kim loại của Trumpf; các thiết bị đo lường và soi cắt lớp của Nikon, Mitutoyo, Renishaw; cùng hàng dài danh mục triển lãm đa dạng và phong phú khác.
Một gian hàng trưng bày của doanh nghiệp quốc tế tại MTA Hanoi 2018. (Ảnh: Ly Ly) |
Theo ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty UBM VES - đơn vị tổ chức Triển lãm MTA Hanoi 2018, hiện nay, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cải cách và cải tiến công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu gia công và sản xuất ngày càng cao của xã hội. Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã nâng tầm ngành cơ khí chế tạo với những dòng thiết bị thông minh như cánh tay người máy (robot) chuyên dụng hay máy in 3D cùng rất nhiều các công cụ máy với nhiều tính năng vượt trội về mặt kỹ thuật.
“MTA Hanoi 2018 sẽ mang đến sản phẩm công nghệ mới cho ngành công nghiệp địa phương nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cạnh tranh trong môi trường sản xuất toàn cầu hóa hiện nay”, ông BT Tee nói.
Nhận định về xu hướng hút vốn ngoại của ngành cơ khí, chế tạo thời gian gần đây, ông Phạm Đức Thiên, Trưởng bộ môn kỹ thuật cơ khí (Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội) cho rằng, đang có sự chênh lệch về vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế tạo giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Nếu tổng vốn đầu tư của các công ty cơ khí trong nước chỉ đạt khoảng 360 - 380 triệu USD thì tổng vốn đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất chế tạo đạt khoảng 2,1 tỷ USD.
“Nguồn vốn đầu tư này sẽ tiếp tục tăng khi dự đoán đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo sẽ có tổng sản lượng xuất khẩu đạt 35%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí”, ông Thiên dự báo.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)