Năng lực và sự đóng góp của ngành cơ khí vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu hiện nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn khó chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)
Vậy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có bỏ lỡ con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo "Triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/9, tại Hà Nội.
Mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước
Theo tiến sỹ Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu năm 2015 ước đạt 50 tỷ USD, trong đó sản xuất trong nước mới chỉ là 16 tỷ USD.
Như vậy, tính theo giá trị, năm 2015, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí của cả nước, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra, ở mức 45-50% đối với lĩnh vực này vào năm 2010.
Đưa tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thụ, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng nêu ra nhiều bất cập, theo đó, trong 30 năm gần đây ngành cơ khí Việt Nam không chỉ đang ngày càng tụt hậu, mà còn không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu.
Đáng chú ý, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí... Bên cạnh đó, ngành cơ khí vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp nghiệp có thiết bị công nghiệp tiên tiến đủ khả năng thiết kết, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đỷ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ sự liên kết và tập hợp lực lượng của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Lấy kinh nghiệp từ nước ngoài, ông Thụ cho rằng, các tập đoàn lớn thường sáp nhập với nhau để cùng tồn tại và phát triển nhưng ngược lại các Tổng công ty cơ khí của nhà nước rất khó sáp nhập để hình thành các Tập đoàn công nghiệp cơ khí nhằm hợp tác chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư và phúc lợi cho nhà nước. Chính tồn tại này theo ông là nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam.
"Ngành cơ khí Việt Nam có điểm yếu là thường làm 'trọn gói' tất cả các công đoạn, nên đầu tư bị dàn trải, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh, trình độ kỹ thuật ngành cơ khí vẫn chỉ được xếp dưới mức trung bình...," ông Thụ cho hay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu ý kiến tại Hội thảo về phát triển ngành cơ khí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Doanh nghiệp tự bơi sẽ rất khó khăn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016 trong khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD.
Dù vậy, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia được vào cá dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng.
Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục công nghiệp, ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành vẫn chậm đổi mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thiếu đầu ra cho sản phẩm nên không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ.
"Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam, chưa kể những hạn chế về nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực...," ông Phạm Tuấn Anh nói.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cũng như phải cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Phía Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công Thương sẽ đề xuất việc hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.
"Bộ sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đề xuất những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành cơ khí..." lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin thêm.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)