Ngày 27/4, tổ hợp năng lượng điện mặt trời và điện gió Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
Tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo của Tập đoàn Trung Nam nằm trên 2 xã Bắc Phong và Lợi Hải (Thuận Nam) rộng 900 ha, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án tổ hợp năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận. Ảnh: Trung Nam.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự án triển khai trên diện tích 264 ha với 700.000 tấm pin mặt trời và 17 trụ điện gió. Tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 1 tỷ kWh đã được hòa lưới điện quốc gia qua trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm.
Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam. Dự án sử dụng công nghệ turbine gió không hộp số và tự động điều chỉnh đón gió. Các trụ gió có thể khởi động và vận hành khi tốc độ gió chỉ 2,5 m/s.
Ngoài ra, dự án này sử dụng công nghệ inverter và chuyển hoá bức xạ mặt trời do Siemens cung cấp tại các cánh đồng điện mặt trời.
Các thiết bị được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40 độ C mà không suy giảm hiệu suất chuyển hoá, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư khi hoàn thành dự án trong thời gian ngắn nhất.
Theo ông, việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án là bước nhảy vọt về năng lượng tái tạo của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và quốc gia nói chung.
"Tôi tin rằng sắp tới Ninh Thuận phát triển du lịch gắn với năng lượng sạch sẽ mang lại cho địa phương sự phát triển bền vững hơn", Phó thủ tướng nói.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết thêm đến nay trên địa bàn có 19 dự án điện gió. Trong đó, có 16 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất khoảng 1.154 MW và tổng vốn đăng ký xấp xỉ 37.000 tỷ đồng.
Dự án tổ hợp năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận. Google Maps.
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)