TT - Người ta ngỡ ngàng, chỉ riêng cô biết rõ nhất mình đang bước trên con đường nào khi quyết định chọn học ngành cơ khí.
Võ Trần Vy Khanh trong một chuyến tham quan thực tế tại Nhà máy Intel VN - Ảnh: Q.NG. |
Cô gái ấy chính là Võ Trần Vy Khanh, vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), kỹ sư cơ khí chuyên ngành kỹ thuật chế tạo.
Trong 370 sinh viên một số ngành của khoa cơ khí học cùng nhau suốt mấy học kỳ giai đoạn đại cương chỉ duy nhất Võ Trần Vy Khanh là nữ. Sự áp đảo nam nhi ấy chẳng khiến cô gái lo lắng mà như Khanh tự nhận, nhiều lúc thuận lợi hơn vì dù gì cả lớp cũng chỉ có một nữ.
Hết đại cương, Khanh làm hồ sơ xét tuyển vào lớp kỹ sư tài năng. Không chỉ bắt buộc phải có điểm số cao, lớp kỹ sư tài năng còn được vận hành theo “luật chơi”: chỉ cần một học kỳ có điểm tổng kết từ 6 trở xuống là ngay lập tức bị “đánh bật” khỏi lớp để nhường chỗ cho người khác khá hơn. Vậy mà cô gái duy nhất ấy nghiễm nhiên có tên trong danh sách 40 sinh viên lớp tài năng với hai ngành kỹ thuật chế tạo và cơ điện tử.
Khanh đã chọn theo cơ khí ngay từ thời THCS. Cảm giác thích thú mỗi khi dõi theo các trận đấu Robocon và cô ước có ngày được nghiên cứu, chế tạo một chiếc máy gì đấy. “Số đông vẫn nghĩ cơ khí là tối ngày chui vào xưởng, lấm lem dầu mỡ máy móc, đinh tai nhức óc với tiếng ồn nhưng không phải vậy, cái chính là học để biết và nắm được công nghệ, vận hành thế nào” - Khanh nói.
Là nói vậy chứ lần đầu tiên xuống xưởng thực hành, trực tiếp điều khiển máy gia công bánh răng, cầm đe gõ thanh sắt mới nung còn đỏ ửng, rồi hàn que chì tóe lửa, trong đầu Khanh ong ong câu hỏi liệu mình có nhầm lẫn không, có chọn sai không, dù gì mình cũng là con gái kia mà! Nhiều hôm canh me mấy bạn nam bên cạnh coi có ai làm xong, có nhờ vả được gì không nhưng rồi Khanh lại tự lực vì thầy động viên cơ bản là hiểu nguyên lý vận hành của máy để những chi tiết, con số trong quá trình học, lập trình trên máy mới chính xác. Và lại cố.
Áp lực về thời gian của một sinh viên lớp kỹ sư tài năng, chưa kể việc có thể bị “bật” khỏi lớp bất cứ lúc nào nếu không đảm bảo kết quả học tập (thường phải đạt điểm bình quân từ 7 trở lên) rồi cũng qua. Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi kèm huy chương bạc dành cho người có điểm số đứng thứ nhì toàn khoa mở ra cho Khanh nhiều lựa chọn. Cô quyết định đi làm để hiểu rõ công việc của mình.
Bốn tháng làm tại một công ty chuyên về thiết bị y tế, Khanh nói mình may mắn khi được làm việc trong bộ phận kỹ thuật, nghiên cứu chế tạo. Thích công việc nhưng Khanh nhận ra cần học chuyên sâu hơn nên quyết định xin nghỉ, ôn tập tìm cơ hội đi du học.
Tranh thủ vài ngày ra thủ đô dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc rồi phải về ngay vì trước mắt cô tân kỹ sư cơ khí ấy là kỳ thi phải vượt qua để có được suất học bổng du học tiến sĩ. “Kỳ thi này với mình rất quan trọng, những điều liên quan mình đang cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể. Giờ chỉ là ôn lại kiến thức mình đã tích lũy thời gian qua và hi vọng sẽ có một kết quả như mong đợi” - Khanh chia sẻ.
Một con đường mới đang chờ đón “bông hoa hiếm” đã lựa chọn và muốn được đi đến cùng đam mê đời mình với cơ khí.
Bộ sưu tập danh hiệu của Vy Khanh thời sinh viên là điều mơ ước của không ít sinh viên. Từ “Sinh viên 5 tốt” toàn quốc cho đến giải thưởng “Sao tháng giêng” của Trung ương Hội Sinh viên VN dành cho cán bộ Hội Sinh viên học tập tốt, hoạt động giỏi. Tính đến nay, Vy Khanh là một trong hai sinh viên toàn Trường ĐH Bách khoa có ba năm liên tiếp đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp TP, trở thành gương “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu của TP.HCM. Đó là chưa kể những giải thưởng về nghiên cứu khoa học, Olympic cơ học toàn quốc khác, giải thưởng cấp đại học quốc gia, cấp trường. |
(Biên tập viên: Máy & thiết bị SUMAC, nguồn siêu tầm)